Những điều cần cân nhắc khi chọn đầu nối xe điện
Khi doanh số bán xe điện (EV) tiếp tục tăng mạnh nhờ hỗ trợ chính sách, cải tiến công nghệ pin, chi phí pin thấp hơn, cơ sở hạ tầng sạc nhiều hơn và các mẫu xe mới từ các nhà sản xuất ô tô, việc quản lý chuỗi cung ứng và hệ thống sản xuất trong tương lai để duy trì quỹ đạo tăng trưởng là quan trọng đối với bất kỳ chiến lược EV nào. Với sự thiếu hụt chất bán dẫn toàn cầu ảnh hưởng đến vòng đời thiết kế và sản xuất của ngành ô tô, các nhà thiết kế cần sự hỗ trợ của các nhà cung cấp và nhà phân phối hơn bao giờ hết, đặc biệt là khi nói đến các đầu nối xe điện.
Tại sao đầu nối xe điện lại quan trọng
Thị trường ô tô điện dù đang phát triển mạnh mẽ nhưng nó phải đối mặt với sự cạnh tranh rất thực tế. Mặc dù các giải pháp ô tô dựa trên xăng dầu có nhiều nhược điểm, nhưng sự tiện lợi của chúng là không thể phủ nhận, cho phép bơm nhiên liệu vào bất kỳ phương tiện nào mà hầu như không gặp khó khăn, trái ngược với việc sạc xe điện. Mỗi chiếc xe điện có thể có đầu nối công nghiệp được thiết kế độc đáo của riêng nó, làm cho đầu nối trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với xe điện.
Nhu cầu trạm sạc ngày càng phổ biến
Theo khẳng định của bà Phan Thị Thuỳ Dương – Giám đốc Trung tâm phát triển trạm pin VinFast, với xe điện, điều quan trọng là hạ tầng trạm sạc. Ngoài việc lập tức cần có các quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc thì các cơ quan chức năng cũng cần quy định về hạ tầng trạm sạc trong các công trình công cộng, chung cư, bãi đỗ xe,…
Tuy nhiên, hiện nay các vướng mắc trong việc hỗ trợ trạm sạc đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, tòa nhà vẫn còn là một vấn đề lớn của các chủ sở hữu phương tiện giao thông xanh.
Nhận định về vấn đề này, ông Triệu Việt Phương – Phó Viện trưởng Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) cho hay: “Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, tiêu chuẩn là tiền đề rất quan trọng giúp doanh nghiệp nâng cao chất lượng, khả năng cạnh tranh, vượt qua các rào cản thương mại để hội nhập sâu rộng, mạnh mẽ với quốc tế và khu vực”.
Ông Phương cho rằng, số lượng các tiêu chuẩn quốc gia hiện nay mới chỉ đảm bảo một phần yêu cầu cho xe điện ở các bộ phận chính như: động cơ, ắc quy, pin của xe điện nói chung mà chưa phản ánh hết được các yêu cầu phát sinh. Đặc biệt cấp thiết đó là tiêu chuẩn về hệ thống trạm sạc và thiết bị sạc bởi đây là cơ sở hạ tầng thiết yếu để mở rộng và phát triển ngành công nghiệp xe điện ở Việt Nam hiện nay.
Dẫn chứng thêm, trên thế giới đã có những trường hợp xảy ra hỏa hoạn khi các phương tiện xe điện đang sạc, gây nguy hiểm nhất định cho con người và tài sản. Thế nên chúng ta cần sớm có những tiêu chuẩn, quy chuẩn về trạm sạc để giảm thiểu tối đa rủi ro không đáng có.
Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn nhất đối với các cư dân sinh sống trong các khu chung cư tại đô thị lớn là thiếu trạm sạc chuyên dụng. Trong đó, tại nhiều dự án chung cư, vẫn có tình trạng những người sử dụng xe đạp hay xe máy điện mang cục sạc lên căn hộ để tự sạc điện. Theo bà Trần Minh Ái, hiện nay có 2 giải pháp để đáp ứng nhu cầu sạc phương tiện sử dụng điện tại các dự án chung cư.
Thứ nhất, tìm hiểu và hợp tác với các đơn vị cung cấp về trạm sạc trên thị trường. Các đơn vị này sẽ hỗ trợ thiết bị đảm bảo an toàn điện, đóng ngắt điện, chống cháy nổ hay các phần mềm cần đăng ký cho hoạt động tự ngưng khi sạc đầy, tính chi phí sạc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trạm sạc cũng không nhiều, hiện chỉ có 2 đơn vị trên thị trường.
Bên cạnh đó, về mặt kinh tế, với tỷ lệ người sử dụng phương tiện chạy bằng điện thấp như hiện nay, dịch vụ này cũng không quá hấp dẫn để đầu tư. Chính vì vậy, số lượng các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này còn đang rất thiếu.
Thứ hai, tổ chức bố trí thêm điểm sạc trong các dự án. Các điểm sạc này được quy hoạch tại những khu vực rộng và cách xa hoàn toàn đối với các phương tiện sử dụng xăng, có thể ở trên gần sảnh hoặc sau lưng tòa nhà thay vì bố trí dưới hầm. Bên cạnh đó, những điểm sạc này cũng đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật an toàn điện, phòng chống cháy nổ và trong tầm quan sát 24/7 của lực lượng nhân viên Ban quản lý. Tuy nhiên, cách làm này vẫn chỉ là giải pháp tạm thời và đòi hỏi một hệ thống quản lý về việc tự ngắt khi sạc đầy hay tính tiền sạc để đảm bảo tất cả người dân có sử dụng phương tiện giao thông chạy bằng điện có thể sử dụng luân phiên.
Theo Tổng cục Tiêu chuẩn chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện Việt Nam có khoảng 13.000 tiêu chuẩn quốc gia với mức độ hài hòa chung với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%. Tổng số tiêu chuẩn quốc gia đang áp dụng cho các phương tiện cơ giới đường bộ là 260, trong đó ô tô có 140 tiêu chuẩn, mô tô xe máy 102 tiêu chuẩn và xe đạp 18 tiêu chuẩn.
Trong các tiêu chuẩn quốc gia trên thì mới chỉ có 39 tiêu chuẩn áp dụng cho xe điện bao gồm cả ô tô, mô tô, xe máy và xe đạp điện.
Còn với hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hiện có 21 quy chuẩn áp dụng cho xe điện. Trong đó có 16 quy chuẩn dùng chung cho tất cả các phương tiện ô tô, mô tô và xe gắn máy điện và động cơ đốt trong và 5 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dành riêng cho xe điện.